Site icon WW88 Casino | Nhà Cái WW88.COM Đăng Ký +188k

Mổ băng: Inter Milan khóa nách hàng thủ và điều chỉnh của Guardiola

123b – Hòa 0-0 tại Etihad bằng một kết cấu phòng ngự 5-3-2 là kết quả mỹ mãn với Inter Milan. Song, Pep Guardiola cũng có lý do để tiếc nuối khi những điều chỉnh trong hiệp hai của ông đã thật sự mang đến những thời cơ cho The Cityzens.

Không bàn đến tỷ số, khía cạnh chiến thuật sau 90 phút bóng lăn tại Etihad rạng sáng nay (19/9) hiển nhiên có những sự khác biệt so với tại Istanbul cách đây hơn 1 năm giữa chính City và Inter. Song, vẫn có những nét mang tính hoài niệm.

Cũng như đêm chung kết Champions League 2023, người ta bắt gặp một City qua cấu trúc 3-4-3 kim cương hay 3-1-2-3 khi có bóng. Cần biết rằng, trước trận đánh cuối cùng năm đó, Pep trung thành với hệ thống 3-2-5, đến khi chạm trán Inter, ông quyết định sử dụng 3-4-3 kim cương với John Stones chơi như một tiền vệ số 8 lệch phải khi có bóng. Từ đầu mùa giải 2024/25 này, City một lần nữa quay trở lại với 3-4-3 kim cương. 

Inter của Simone Inzaghi thì vẫn không đổi, vẫn sự linh hoạt độc đáo ở vị trí và kết cấu trong khâu triển khai bóng, và vẫn hệ thống 5-3-2 khi không bóng. Hơn 1 năm trước, Inter còn chơi pressing tầm cao khó chịu trước City. Bấy giờ, bài toán đặt ra với Pep là tìm kiếm người tự do trong khâu triển khai bóng và đánh vào khoảng trống sau lưng các trung vệ lệch của đối thủ. Còn ở trận đấu mới đây, vấn đề City gặp phải là làm sao tấn công hiệu quả vào nách hàng thủ (thuật ngữ “pocket”) của Inter. 

So sánh giữa hai hiệp đấu tại Etihad: hiệp một, City có giá trị bàn thắng kỳ vọng là 0,82; trong khi hiệp hai, con số này tăng lên gấp đôi, là 1,64. Điều này phản ánh chất lượng những cơ hội thông qua vị trí, hoàn cảnh dứt điểm của City có sự cải thiện đáng kể so với 45 phút đầu tiên. Câu hỏi đặt ra, phải chăng Pep đã có những sự điều chỉnh nào đó?

Gợi ý đầu tiên chúng ta có thể tìm thấy: bước sang hiệp hai, Pep có 2 sự thay người – Ilkay Gundogan thay Kevin De Bruyne (KDB), và Phil Foden thay Savinho. Quyết định rút KDB khỏi sân không hẳn xuất phát từ nguyên nhân là tiền vệ người Bỉ dính chấn thương ở cuối hiệp một.

Để truy tìm manh mối còn lại, hãy đến với phát biểu của chính Pep sau trận đấu trong phòng họp báo. Ở đó, một ký giả đặt câu hỏi cho chiến lược gia người Tây Ban Nha rằng KDB và Savinho rời sân vì vấn đề gì, và ông đã trả lời như sau:

“Lý do là bởi trước một đối thủ tổ chức phòng ngự qua hệ thống 5-3-2, cứ mỗi khi chúng tôi có bóng ở một bên cánh, 5 hậu vệ của họ sẽ lập tức dịch chuyển để dồn về cánh đó, khiến Kevin và Savinho khó có thể kết nối được với Rodri. Inter chỉ cho phép những cầu thủ của chúng tôi thoải mái có bóng ở hai cánh. Vậy nên, chúng tôi cần phải nhận bóng rồi xoay trở thật nhanh. Nghĩa là chúng tôi cần có những cầu thủ với kỹ năng phù hợp đặc biệt trong phạm vi không gian hẹp – có bóng rồi lập tức di chuyển.”

“Những cầu thủ như Rico Lewis, Foden và Gundogan là chuyên gia trong các kỹ năng xử lý như thế. Họ phù hợp với những vị trí ở nách hàng thủ đối phương, tức những không gian rất hẹp. Một khi nhận bóng ở đó, họ có thể xoay trở, hướng nó ngay về phía trước, rồi dứt điểm. Hai quả tạt mang đến cơ hội đánh đầu cho Gundogan là minh chứng. Những cầu thủ còn lại thì không có được những kỹ năng như vậy, họ có những kỹ năng khác.”

“Thực tế, nhìn cách phòng ngự của Inter, sau 35-40 phút hiệp một, tôi đã nghĩ đến việc cần phải thay người. Đúng là sau khi các bác sĩ thông báo với tôi về tình trạng của Kevin, cậu ấy đã không thể tiếp tục hiệp hai. Nhưng từ trước đó, tôi đã nghĩ đến chuyện cần thay đổi nhân sự rồi.”

 

Ở một câu hỏi ngay sau đó, Pep tiếp tục nhắc lại: “Tôi điều chỉnh nhân sự chỉ đơn giản là vì khi Inter sử dụng hệ thống 5-3-2, họ tìm cách bắt chặt Rodri và không cho chúng tôi tìm kiếm những khoảng trống ở các nách hàng thủ. Song, khoảng trống thì sẽ luôn có thôi. Thế nên tôi mới cần những quân bài khác, chuyên dụng cho việc khai mở những khoảng trống đó.”

Trong những chia sẻ của Pep, có một ý nổi bật “khoảng trống thì sẽ luôn có”. Cách đây vài năm, ông cũng từng đại ý nhắc đến khái niệm “luôn có khoảng trống” bất kể đối phương có tổ chức hệ thống phòng ngự chặt chẽ, kỷ luật như thế nào. Đó là những khoảng trống không được minh định bởi các ô kẻ sẵn trên sa bàn, mà là khoảng trống được tạo ra do hành động phòng ngự của đối thủ và hành động của chính cầu thủ có bóng tấn công.

Trở lại với vấn đề cần được mổ xẻ. Inter đúng là đã có một trận đấu phòng ngự chất lượng, kết hợp giữa phòng ngự khu vực và một-kèm-một. Các trung vệ lệch là Yann Bisseck và Bastoni luôn có ý thức chủ động theo kèm và dập bóng với hai cầu thủ chơi ở nách trung lộ của City là KDB và Rico Lewis, đó là kèm người một-một. Nhưng từ đầu mùa giải này, KDB thường xuyên di chuyển dạt biên trái, hoán đổi vị trí với tiền đạo cánh trái mà trận sáng nay là Jack Grealish, bấy giờ theo kèm KDB là hậu vệ cánh phải Darmian, còn Bisseck chăm sóc Grealish, đó là một ví dụ cho việc phòng ngự khu vực.

Tuy nhiên, những sơ hở hay khoảng trống nhỏ đủ khai thác vẫn xuất hiện là chuyện không thể tránh khỏi – không có gì là hoàn hảo. Chỉ có điều, những pha xử lý mang tính quyết định của các cầu thủ City một khi chiếm lĩnh được các khoảng trống đó là không thành công. Nói như Pep, là những cầu thủ này không mạnh ở những pha xử lý trong vùng không gian hẹp đó.

Suốt hiệp một, City tổ chức tấn công chủ yếu thông qua nhóm cầu thủ ở cánh trái, là KDB, Grealish và Bernardo Silva (người chơi như một số 10 nhưng di chuyển theo hướng bóng, có lúc dạt phải, có lúc dạt trái). Nhóm 3 cầu thủ này thường xuyên hoán đổi vị trí cho nhau (rotation) để lôi kéo, làm xiêu vẹo hàng thủ Inter. Họ đã làm được trong một số lần, thời cơ cũng đã có, nhưng chưa hiệu quả ở đầu ra.

Lấy ví dụ tình huống phút 23, KDB ở biên trái chọc khe cho Silva – lúc này chính là đang ở không gian nách hàng thủ đối phương – nhưng cầu thủ người Bồ không thể đỡ bóng rồi ngay lập tức hướng nó về phía trước, thoát đi để xộc thẳng vào vùng cấm Inter, anh buộc phải đập nhả với Rodri. Pha bóng kết thúc với việc Silva bị vây bởi Bisseck và mất bóng.

Hay như phút 37, một khoảng trống nhỏ nhoi được mở ra, đủ để KDB căng ngang vào trong dành cho Silva. Rất tiếc, cầu thủ người Bồ đã không thể tiếp bóng thành công. 

Để rồi bước sang hiệp hai, cùng với việc Gundogan và Foden được đưa vào sân, Pep cũng điều chỉnh vị trí của Silva. Bấy giờ, cầu thủ 30 tuổi này thay thế vị trí bám biên phải của Savinho. Gundogan đá số 8 lệch trái, Rico vẫn giữ vị trí số 8 lệch phải, còn Foden chơi như một số 10 giống với Silva ở hiệp một. Điều này có nghĩa, khu trung lộ và nách trung lộ của City trong hiệp hai được quán xuyến bởi 3 cầu thủ mà như Pep đã chỉ ra – họ là chuyên gia trong những pha nhận bóng rồi lập tức xoay trở để di chuyển tấn công cùng bóng trong không gian hẹp. 

Đầu hiệp hai mang đến một khoảnh khắc có thể cho thấy ý đồ của Pep, đúng như những gì ông chia sẻ sau trận đấu. Phút 48, Silva ở biên phải chuyền bóng ngang vào nách phải trung lộ cho Rico, trước khi bóng tới chân Foden ở trung lộ, cầu thủ người Anh nhận bóng trước khi xoay cơ thể lập tức về phía khung thành Inter và tung ra cú sút bên ngoài vùng cấm. Cú sút tuy đưa quả bóng đi hơi cao so với khung thành đối phương, tức không trúng đích, nhưng ở khu vực chỉ đạo, Pep lập tức vỗ tay hoan nghênh. 

Tình huống phút 69 có thể mang đến một sự so sánh với tình huống ở phút 23 của Silva, bởi cách thức phối hợp tương đối giống nhau, chỉ khác ở những cá nhân kết hợp. Gvardiol chọc khe cho Gundogan ở nách hàng thủ đối phương, tiền vệ người Đức bật nhả một-hai hai lần với Grealish trong không gian hẹp, trước khi xoay trở nhạy bén để nhả bóng cho Foden.

Cầu thủ 24 tuổi người Anh dứt điểm ngay gần chấm penalty, song cú đá lại hướng vào đúng vị trí của thủ thành Yann Sommer. Đấy có thể xem là pha phối hợp điển hình cho những gì Pep mong muốn, giữa những cầu thủ là chuyên gia trong không gian hẹp, nhận và di chuyển cùng bóng để dứt điểm. 

Trong khi, hai tình huống di chuyển để tìm kiếm khoảng trống trong vùng cấm và dứt điểm bằng đầu của Gundogan mà Pep có đề cập, không những phản ánh sở trường trong những năm đã qua của tiền vệ người Đức, mà còn mang đến một sự so sánh nhỏ – cho thấy sự khác biệt về mặt kỹ năng, phẩm chất giữa anh với Silva. 

Tựu trung, , nhưng một lần nữa lại là màn so tài chiến thuật chất lượng. Cách tổ chức phòng ngự của Inter thật sự đáng nể, ở tính kỷ luật và sự nhịp nhàng trong cách theo kèm người. Còn ngược lại, với City là công cuộc đi tìm lời giải khoan phá kết cấu phòng ngự ấy. 

Exit mobile version